-
Được đăng: 21 Tháng 5 2014
-
Lượt xem: 31527
- Tên huyện; Huyện Đà Bắc
- Diện tích: 77.796 ha
- Dân số: 53.204 người
- Điều kiện tự nhiên: Đà Bắc là một huyện vùng cao nên điều kiện tự nhiên tương đối đặc thù, có địa hình đồi, núi, sông, suối xen kẽ tạo thành nhiều dải hẹp bị cắt phá mạnh mẽ nên đất có độ dốc lớn (bình quân 350), mặc dù có diện tích đất tự nhiên lớn nhất so với các huyện trong tỉnh nhưng đất nông nghiệp chiếm tỷ lệ rất ít, chủ yếu là đất rừng (Đất lâm nghiệp 50,662 ha chiếm 65,12%, đất nông nghiệp 3.537 ha chiếm 4,55%, đất phi nông nghiệp 8.556 ha chiếm 11%, đất nuôi trồng thuỷ sản và đất NN khác 100,6 ha chiếm 1,3%, đất chưa sử dụng 14.94 ha chiếm 19,2%). Khí hậu nhiệt đới gió mùa, thời tiết ôn hoà, nhiệt độ trung bình 22,80C, lượng mưa trung bình 1.900mm, độ ẩm trung bình 81 – 84%. Chịu ảnh hưởng của chế độ thuỷ văn Sông Đà với chiều dài chảy qua huyện khoảng 70km có diện tích mặt hồ khoảng 6.000 ha.
- Tài nguyên thiên nhiên:
+ Tài nguyên đất; Phần lớn đất đai của huyện được hình thành từ các đá mẹ có nguồn gốc đá vôi, đất có tầng dày trung bình 50-80cm, riêng ở các thung lũng đất có tầng dày hơn 1m, rải rác có các cao nguyên rộng khá bằng phẳng, đất dai phì nhiêu, phù hợp với sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp nhất là với các loại cây công nghiệp, cây ăn quả, cây lâm nghiệp, cây dược liệu…
+ Tài nguyên nước; Tương đối dồi dào có các suối lớn như Suối Tuổng, Suối Chum, Suối Trầm, Suối Láo, Suối Nhạp… ngoài việc xây dựng các hồ, bai giữ nước phục vụ nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân còn có thể xây dựng các trạm thuỷ điện như nhà máy thuỷ điện Suối Nhạp (xã Đồng Ruộng) để tạo ra năng lượng điện thương phẩm. Đặ biệt có diện tích mặt hồ Sông Đà rộng khoảng 6000ha có trữ lượng hàng tỷ m3 nước rất thuận lợi cho việc phát triển nghề đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản và dịch vụ thương mại, du lịch.
+ Tài nguyên khoáng sản; có một số mỏ quặng sắt Suối Chuồng (Tu lý, Cao Sơn), mỏ quặng sắt (Tân Pheo, Đoàn kết), mỏ đá phấn Tân Minh, ngoài ra huyện còn có nguồn đá để sản xuất vật liệu xây dựng.
- Bài viết tổng hợp về kinh tế – xã hội: Xuất phát điểm của nền kinh tế của huyện vào loại thấp trong tỉnh, đời sống ở các khu vực dân cư có nhưng chênh lệch lớn. Khu vực thành thị có mức sống ổn định tương đối đồng đều nhưng tỷ lệ không cao, không có các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lớn, khu vực nông thôn có mức sống thấp còn nhiều hộ nghèo, việc xoá đói giảm nghèo hết sức khó khăn, các hộ nghèo chủ yếu ở nông thôn sản xuất theo dạng tự cung tự cấp, chưa có thói quen tạo ra sản phẩm hàng hoá có chất lượng để trao đổi theo nhu cầu thị trường. Nền kinh tế của huyện chủ yếu dựa vào phát triển lâm nghiệp và nông nghiệp.
Cơ cấu kinh tế: Nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 50%. Dịch vụ thương mại, du lịch chiếm 35,5%. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng chiếm 14,5%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế 11,5%, thu nhập bình quân đầu người 13 triệu đồng/năm.
- Bài viết về lịch sử phát triển và các nét văn hoá đặc trưng (về phong tục tập quán, nhà ở, trang phục, các làn điệu dân ca, lễ hội truyền thống…): Đà Bắc là huyện vùng cao của tỉnh Hoà Bình, có nhiều dân tọc anh em cùng chung sống nơi có sự giao thoa của nhiều nền văn hoá khác nhau tạo nên sự đặc sắc quyến rũ này.
Khi mùa bội thu, xuân về với bản làng thì lúc đó người dân tổ chức tiệc mừng cúng lễ tạ ơn trời đất, tổ tiên che chở để việc trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm được thuận lợi tạo ra nhiều của cải trao đổi và buôn bán. Xuất phát từ dọc Sông Đà hùng vĩ có nhiều Bản làng người Dao, người Tày và người Thái sinh sống, những nét văn hoá đặc trưng của người Dao có 2 nhánh đó là Dao đỏ và Dao quần chẹt, lễ hội của người Dao chỉ có tết nhảy đó là phong tục tập quán cấp sắc đặt tên và mừng cơm mới vào tháng 10 và 11 hàng năm, người Tày và người Thái thì chỉ có tập quán mừng cơm mới (Khau mờ) sau khi thu hoạch vụ mùa xong các làn điệu dân ca của người Tày phong phú và tình tứ như khắp giao duyên của những đôi trai gái hoặc những cuộc vui mừng hạnh phúc họ cùng hát và không phụ thuộc theo lứa tuổi.
Nhà ở của dân tộc Dao thường hay làm thấp và lợp bằng lá cọ, gianh, gồm 3 đến 6 gian, có gian bếp cùng dãy nhà để phục vụ cho gia đình.
Người Tày và người Thái thì thường làm nhà sàn cao ráo, được phân chia thành gian ngăn vách bếp đun nấu sinh hoạt được đặt giữa nhà sàn.
Các món ăn ẩm thực của người dân tộc Dao có đặc sản là thị chua và rượu hoãng làm bằng gạo nếp, hương vị rất thơm và ngon.
Người Tày và Thái có cơm lam, cá mương hay thịt gà nấu măng chua hạt dổi rất ngon và mùi vị cũng rất hấp dẫn.
Về trang phục người Dao có 2 nhánh khác nhau vì thế mà trang phục của họ cũng khác nhau, cầu kỳ và hình thức rất phong phú, còn người Tày và Thái thi gần giống nhau, không cầu kỳ lắm nhưng có đặc trưng riêng tinh tế và các nét hoa văn của mỗi dân tộc đều đẹp và bản sắc riêng.
Đặc trưng của người dân tộc Mường Đà Bắc và nét văn hoá cổ truyền có trong dịp lễ, đón xuân mới và mừng hạnh phúc đôi lứa, những cuộc vui hát, nhảy sạp, ném còn, vui xuân hội, đánh cồng chiêng, mừng tiệc vui và đón xuân uống rượu cần, ẩm thực của người mường gồm có xôi đồ, cơm lam, cá mường, thịt gà nấu măng chua. Các món ăn đó ngon miệng và hấp dẫn, nhà sàn của người mường được lập bằng tranh, lá cọ, cao ráo và ngăn cách thành gian trong nhà.
- Bài viết giố thiệu về Du lịch danh lam, thắng cảnh, di tích di sản văn hoá: Huyện Đà Bắc nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh, cách thủ đô Hà Nội khoảng 90 km, với cảnh quan thiên nhiên trữ tình, hùng vĩ và bản sắc văn hoá các dân tộc Tày, Dao, Mường… độc đáo, huyện Đà Bắc có nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, văn hoá, lịch sử hấp dẫn.
Với độ cao trung bình so với mặt nước biển là 560 m, diện tích rừng chiếm gần 37% diện tích đất tự nhiên, Đà Bắc có khí hậu trong lành, mát mẻ. Trong đó, khu bảo tồn rừng Pu Canh, diện tích trên 500 ha, với thiên nhiên hoang sơ của cánh rừng đại ngàn ẩn chứa bao điều kỳ thú và độc đáo. Nơi đây có đỉnh núi cao nhất Hoà Bình 1.373 m. Chinh phục được đỉnh núi, du khách sẽ ngỡ ngàng trước phong cảnh sơn thuỷ hữu tình của toàn bộ thượng lưu hồ sông Đà thuộc tỉnh Hoà Bình. Tại đây, du khách có thể tham gia các tuyến du lịch đi bộ, du lịch mạo hiểm, nghiên cứu khoa học… chiêm ngưỡng thác Tà Khớp luôn tung bọt trắng xoá. Tài nguyên du lịch tự nhiên của Đà Bắc còn phong phú, hấp dẫn với suối Láo, hang Mưa, hang Sưng xã Cao Sơn, hang Sấm xã Toàn Sơn; động Hương Lý (xã Tu Lý); rừng, núi Biều, hang Lỗ Làn, vịnh Hiền Lương tại xã Hiền Lương…
Bên cạnh đó, tài nguyên du lịch nhân văn với những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể độc đáo là tiềm năng du lịch lớn. Đền Thác Bờ thuộc xã Vầy Nưa đã được du khách muôn phương biết đến là điểm du lịch văn hoá tín ngưỡng có truyền thống. Bản, làng dân tộc Dao, Tày, Mường tại các bản Sưng, Thùng Lùng, Nhạp, Lăm, Thượng, Rãnh thuộc các xã Cao Sơn, Tân Pheo, Đồng Chum, Đoàn Kết, Đồng Ruộng, Toàn Sơn còn lưu giữ những nét văn hoá đặc trưng của từng dân tộc. Du khách có thể khám phá, tìm hiểu các phong tục, tín ngưỡng, trang phục, ẩm thực, lễ hội… của đồng bào. Họ là những người sống chan hoà, mến khách và gần gũi với thiên nhiên. Du khách cũng có thể tìm hiểu lịch sử cách mạng tại căn cứ Tú Lương (xã Hiền Lương-Tu Lý), Căn cứ Mường Diềm (xã Trung Thành), Đài tưởng niệm anh hùng liệt sỹ Triệu Phúc Lịch, Đội Du kích Toàn Sơn (Dốc Tra, xã Toàn Sơn) hay khám phá những di chỉ khảo cổ tại hang Hủi (xã Hiền Lương), hang Dơi (xã Vầy Nưa), hang Oi Luông (xã Tiền Phong)...
Đầu tháng 11/2009, UBND tỉnh đã đồng ý cho Công ty CP Du lịch Hoà Bình mở tour du lịch đi bộ 4 ngày 3 đêm tuyến TP Hoà Bình – Pu Canh – vùng hồ Hoà Bình qua các bản dân tộc Mường, Tày, Dao. UBND huyện mới đây cũng đã đồng ý để Công ty CP Đầu tư du lịch hồ sông Đà đầu tư dự án Khu du lịch thiên nhiên hoang dã Robinson tại đảo Sung, xã Tiền Phong. Đây là những bước đi đột phá ban đầu nhằm đánh thức những tiềm năng du lịch còn tiềm ẩn.
Dựa trên những tài nguyên sẵn có, huyện đã phối hợp với Công ty CP Xây dựng và Đầu tư khu du lịch sinh thái Cavico xây dựng quy hoạch tổng thể du lịch huyện giai đoạn 2006 – 2020. Qua đó, đánh giá tài nguyên, hiện trạng du lịch của huyện và đưa ra quy hoạch, các giải pháp thực hiện. Theo đó, ngành du lịch và dịch vụ của huyện chưa phát triển. Khách đến Đà Bắc chủ yếu là công vụ. Các cơ sở lưu trú, vui chơi, giải trí, hội nghị còn thiếu. Cơ sở vật chất như điện, đường, nước, thông tin liên lạc; số lượng, chất lượng lao động du lịch còn kém; sản phẩm du lịch nghèo nàn. Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch còn hạn chế. Các dự án đầu tư trên địa bàn còn mang tính nhỏ lẻ, thiếu hệ thống và không gắn liền với quy hoạch phát triển ngành du lịch. Hiện chỉ có các tour du lịch nhỏ lẻ đến Đà Bắc thông qua các tổ chức du lịch ngoài huyện. Năm 2009, huyện Đà Bắc đón 15.488 lượt khách, nhưng chủ yếu là khách đến đền Thác Bờ và hầu như không lưu trú lại.
Trước tiềm năng và hiện trạng đó, bản quy hoạch đã đưa ra những quan điểm, định hướng phát triển du lịch theo không gian, lãnh thổ với 5 cụm du lịch; theo các tuyến với các loại hình du lịch gắn với thiên nhiên, văn hoá. Vấn đề đầu tư, tôn tạo tài nguyên du lịch, cải thiện kết cấu hạ tầng; đổi mới và đa dạng hoá sản phẩm du lịch; sự phối hợp đồng bộ, hợp lý các dự án chính sách có trọng điểm để có một sức mạnh tổng hợp làm du lịch đã được đề cập đến. Công tác xúc tiến đầu tư du lịch và các dự án ưu tiên đã được đưa ra.
Tin mới
Các tin khác