Sáng ngày 27/11/2020, Ủy ban nhân dân huyện tổ chức Hội nghị tập huấn thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.
Dự và chỉ đạo có đồng chí Bàn Kim Quy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, các đồng chí là thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính huyện Đà Bắc, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, thành viên các Tổ Báo cáo viên,công chức, viên chức Phòng Nội vụ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn.
Tại buổi tập huấn, các học viên đã được nghe giới thiệu tổng quan về dịch vụ công trực tuyến, hệ thống chính quyền điện tử, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, hoạt động của Trung tâm dịch vụ hành chính công tỉnh Hòa Bình; hướng dẫn khai thác sử dụng dịch vụ công trực tuyến; danh mục các dịch vụ công đang được triển khai thực hiện; quy trình thực hiện dịch vụ công để nộp hồ sơ trực tuyến, nhận kết quả trực tiếp thông qua các phần mềm, hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu một cửa điện tử. Bên cạnh đó, các học viên được hướng dẫn quy trình thực hiện dịch vụ công trực tuyến, quản lý hồ sơ đã nộp, tra cứu hồ sơ, thanh toán phí, lệ phí trực tuyến mức độ 4.
Chương trình tập huấn tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân giảm bớt chi phí, giảm việc đi lại, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính; giảm tải văn bản giấy phải sử dụng khi làm hồ sơ, tiết kiệm được chi phí lưu trữ; minh bạch, công khai trong giải quyết thủ tục hành chính …; đồng thời hướng tới xây dựng chính quyền điện tử góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước và thực hiện cải cách hành chính trong thời gian tới.
Ngày 22/9/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã công bố danh mục thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực Hộ tịch thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã tỉnh Hòa Bìnhkèm theo Quyết định số 2255/QĐ-UBND.
Theo đó, các thủ tục hành chính công bố tại Quyết định này được thực hiện tiếp nhận, trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện, cấp xã kể từ ngày 22/9/2020 gồm có 02 phần, cụ thể như sau:
Phần I. Danh mục thủ tục hành chính sửa đổi sửa đổi.
Phần II. Nội dung cụ thể của các thủ tục hành chính.
Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện Đà Bắc trân trọng giới thiệu toàn văn Quyết định số 2255/QĐ-UBNDcủa Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình.
Đây là nhiệm vụ trọng tâm về triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia để phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số quốc gia giai đoạn mới tại Thông báo số 339/TB-VPCP ngày 22/9/2020.
Giữa năm 2021, đưa vào khai thác CSDL quốc gia dân cư và đất đai (Ảnh minh họa)
Về triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu thực hiện cách làm mới để đẩy nhanh tiến độ triển khai, khẩn trương hoàn thành xây dựng, đưa vào sử dụng Cơ sở dữ liệu Đất đai quốc gia trong tháng 7/2021.
Bộ Công an khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đến tháng 7/2021 đưa vào khai thác sử dụng chính thức trên toàn quốc.
Về các nền tảng, hạ tầng Chính phủ số, các bộ, ngành, địa phương hoàn thành xây dựng Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh trong tháng 10/2020 và kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; triển khai biện pháp giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng tập trung và kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia trong năm 2020.
Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, kết hợp cả đầu tư và thuê dịch vụ phát triển một số hạ tầng truyền dẫn, điện toán đám mây, nền tảng chuyển đổi số quan trọng.
Về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, ít nhất đạt mục tiêu 30% trong năm 2020, theo hướng sử dụng các nền tảng dùng chung để tiết kiệm chi phí, thời gian, phấn đấu năm 2021, hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 4. Hằng tháng, Bộ Thông tin và Truyền thông thống kê tỉ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của từng bộ, địa phương để đôn đốc triển khai.
Đồng thời, tập trung tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính làm cơ sở xây dựng, hoàn thiện dịch vụ công trực tuyến để tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; thực hiện kết nối Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh với Hệ thống thu thập, đánh giá việc sử dụng thông tin và dịch vụ công trực tuyến do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, quản lý để đánh giá hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương. Bộ Thông tin và Truyền thông cần có phương án rõ ràng, bảo đảm không ách tắc, tránh lãng phí.
Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện Đà Bắc trân trọng giới thiệu toàn văn Thông báo số 339/TB-VPCP ngày 22/9/2020.
Ngày 08/9/2020, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hòa Bình đã ban hành Công văn số 783/STTTT-CNTT về việc thông báo kết quả triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công tỉnh.
Theo đó, thực hiện nhiệm vụ của của Ủy ban dân tỉnh giao về thiết lập, kết nối cung cấp các dịch trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 thực hiện trên địa bàn tỉnh (sau đây viết tắt là dịch vụ công trực tuyến), để thuận tiện cho các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong việc tổ chức triển khai thực hiện tiếp nhận, giải quyết các dịch vụ công trực tuyến, Sở Thông tin và Truyền thông thông báo kết quả thiết lập, kết nối tính đến ngày 01/9/2020 và đề nghị các cơ quan, đơn vị như sau
1. Về rà soát, thiết lập, kết nối, cung cấp danh mục dịch vụ công trực tuyến của cơ quan, đơn vị theo Quyết định số 1588/QĐ-UBND ngày 14/7/2020 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Số dịch vụ công trực tuyến mức đã được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công tỉnh là 765 dịch vụ, cụ thể: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: 38/45 DVC; Sở Tư pháp: 108/143 DVC; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: 79/85 DVC; Sở Công Thương: 41/52 DVC; Sở Giáo dục và Đào tạo: 13/15 DVC; Sở Y tế: 57/65 DVC; Sở Nông nghiệp và PTNT: 47/52; Ban Quản lý KCN: 04/09 DVC; Sở Xây dựng: 24/26 DVC; Sở Nội vụ: 37/43 DVC; Sở Kế hoạch và Đầu tư: 115/115 DVC; Sở Tài nguyên và Môi trường: 45/47 DVC (01 DVC bị trùng); Sở Khoa học và Công nghệ: 46/46 DVC; Sở Tài chính: 02/02 DVC; Sở Thông tin và Truyền thông: 39/45 DVC; Sở Giao thông vận tải: 34/36 DVC; Ủy ban nhân dân cấp huyện: 62/68 DVC; Ủy ban nhân dân cấp xã: 24/24 DVC.
- Số dịch vụ công trực tuyến không tìm thấy trên Cơ sở dữ liệu Quốc gia về thủ tục hành chính: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: 07 DVC; Sở Tư pháp: 06 DVC; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: 02 DVC; Sở Công Thương: 10 DVC; Sở Giáo dục và Đào tạo: 05 DVC; Sở Nông nghiệp và PTNT: 05 DVC; Ban Quản lý KCN: 06 DVC; Sở Xây dựng: 03 DVC; Sở Nội vụ: 06 DVC; Sở Tài nguyên và Môi trường: 02 DVC; Sở Thông tin và Truyền thông: 09 DVC; Sở Giao thông vận tải: 02 DVC; Ủy ban nhân dân cấp huyện: 06 DVC; Ủy ban nhân dân cấp xã: 03 DVC.
- Số dịch vụ công trực tuyến chưa có quy trình giải quyết nội bộ trên phần mềm một cửa điện tử cấp tỉnh: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: 07 DVC; Sở Tư pháp: 35 DVC; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: 06 DVC; Sở Công thương: 11 DVC; Sở Giáo dục và Đào tạo: 01 DVC; Sở Y tế: 03 DVC; Sở Nông nghiệp và PTNT: 05 DVC; Ban Quản lý KCN: 06 DVC; Sở Ngoại vụ: 01 DVC; Sở Xây dựng: 05 DVC; Sở Nội vụ: 06 DVC; Sở Kế hoạch và Đầu tư: 02 DVC; Công an tỉnh: 02 DVC; Sở Thông tin và Truyền thông: 06 DVC; Sở Giao thông vận tải: 02 DVC; Ủy ban nhân dân cấp huyện: 06 DVC; Ủy ban nhân dân cấp xã: 01 DVC.
(Chi tiết theo các Phụ lục đính kèm).
2. Trên cơ sở danh mục dịch công trực tuyến được cung cấp trên Cổng dịch vụ công tỉnh theo Phụ lục 1, đề nghị các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện tiếp nhận, giải quyết các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 nêu trên đảm bảo theo yêu cầu Quyết định số 1588/QĐ-UBND ngày 14/7/2020 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình và các quy định tại Quyết định số 21/2019/QĐ-UBND ngày 27/6/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình về ban hành quy chế quản lý, vận hành, khai thác sử dụng Cổng dịch vụ công và Hệthống thông tin một cửa điện tử tỉnh Hòa Bình.
3. Đối với các dịch vụ công trực tuyến không tìm thấy trên Cơ sở dữ liệu Quốc gia về thủ tục hành chính theo Phụ lục 2, đề nghị Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh rà soát, cập nhập đầy đủ lên Cơ sở dữ liệu Quốc gia về thủ tục hành chính để đảm bảo việc đồng bộ các thủ tục hành chính về Cổng Dịch vụ công tỉnh và Hệ thống phần mềm một cửa điện tử tỉnh theo quy định.
4. Đối với các dịch vụ công trực tuyến chưa có quy trình giải quyết nội bộ trên phần mềm một cửa điện tử cấp tỉnh theo Phụ lục 3, đề nghị các cơ quan, đơn vị khẩn trương cung cấp các Quyết định ban hành quy trình giải quyết nội bộ đã Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt về Sở Thông tin và Truyền thông trước ngày 10/9/2020 để thực hiện tích hợp trên Hệ thống phần mềm một cửa điện tử tỉnh và kết nối cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công tỉnh.
Trong quá trình triển khai thực hiện cung cấp dịch vụ trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 có phát sinh vướng mắc, đề nghị liên hệ Phòng kỹ thuật nghiệp vụ - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông, điện thoại: 0218.3897506 để được hỗ trợ giải quyết.
Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện Đà Bắc trân trọng giới thiệu toàn văn Công văn số 783/STTTT-CNTT về việc thông báo kết quả triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công tỉnh.
Tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 vẫn thấp và nếu không có cách làm mới sẽ không thể đạt mục tiêu 30% trong năm 2020. Đến thời điểm hiện nay, vẫn còn 8 bộ, 25 tỉnh tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4 dưới 10%, đây là con số đáng báo động.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này tại Hội nghị trực tuyến của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử (CPĐT) với các Ban Chỉ đạo xây dựng CPĐT bộ, ngành và Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử 63 tỉnh, thành phố.
Tại Hội nghị, đại diện Bộ Y tế cho biết một trong những bài học quan trọng là sự quyết liệt của người đứng đầu. Đến nay Bộ Y tế đã hoàn thành cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế. 100% bệnh viện đã ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT); 99,5% các cơ sở khám chữa bệnh đã kết nối giám định khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với cơ quan Bảo hiểm Xã hội Việt Nam,...
UBND tỉnh đã yêu cầu cán bộ, công chức không nhận hồ sơ giấy khi thực hiện dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4; xử lý nghiêm đối với các trường hợp cố tình vi phạm. Tỉ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến đã tăng vượt bậc, từ 9% (trước ngày 19/5/2020) lên 97% (ngày 21/8/2020). Tỉnh Bình Phước đề xuất Chính phủ sớm hoàn thiện và chia sẻ cho địa phương sử dụng các cơ sở dữ liệu quốc gia như dân cư, đất đai, đăng ký kinh doanh...
Ý kiến của một số doanh nghiệp cũng cho rằng cần sớm hoàn thiện các hành lang pháp lý quan trọng (trong năm 2021, muộn nhất vào năm 2022) hỗ trợ cho việc triển khai các nền tảng chính phủ số cấp quốc gia và các bộ, địa phương được hiệu quả; sớm hoàn thành các cơ sở dữ liệu quan trọng của quốc gia.
Báo cáo tại Hội nghị về việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết đã bố trí 100% công an xã chính quy, đây là một nguồn nhân lực quan trọng để bảo đảm thu thập, bổ sung dữ liệu đầy đủ, liên tục. Từng đồng chí cảnh sát khu vực, công an xã xuống từng khu vực nhà dân như khẩu hiệu trong chống dịch COVID-19 là “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để bảo đảm có số liệu chính xác, đầy đủ. Đến nay đã thu thập 40 triệu thông tin. Bộ Công an phấn đấu sẽ đưa vào vận hành chính thức Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ ngày 1/7/2021. Bộ cũng đề xuất triển khai dự án sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân đồng bộ với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, làm nền tảng cho Chính phủ điện tử.
Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Ghi nhận các ý kiến, kết luận Hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng CNTT, phát huy, tận dụng tối đa hạ tầng công nghệ số để góp phần cùng xã hội vào công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam mà được thế giới đánh giá là điểm sáng.
Thủ tướng cũng biểu dương các doanh nghiệp công nghệ tiêu biểu như Viettel, VNPT, BKAV… đã đóng góp nhân lực, tài lực vào phòng chống dịch, đầu tư xây dựng các ứng dụng xử lý, phân tích tình hình dịch bệnh, truy vết tiếp xúc người nhiễm bệnh như Bluezone, NCovi…
Theo Thủ tướng, lực lượng trên 50.000 doanh nghiệp công nghệ hiện nay có vai trò quan trọng trong chuyển đổi số ở Việt Nam, “không có thì khó thành công”. Thời gian qua, các nền tảng CPĐT được phát triển nhanh. Số lượng các nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, tỉnh được xây dựng tăng đột biến, trong 6 tháng qua, tỉ lệ bộ, tỉnh có nền tảng này tăng hơn 3 lần (tháng 2/2020 mới chỉ có 25 bộ, tỉnh có nền tảng tương ứng 27%, nhưng đến tháng 7 đã có 76 bộ, tỉnh có nền tảng, tương ứng 82,6%). Hiện nay, tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp khoảng 15,9%, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan Nhà nước đi vào nền nếp, với tỉ lệ đạt khoảng 88,5% (sát với mục tiêu năm 2020 đạt 90% nêu trong Nghị quyết 17).
Các doanh nghiệp Việt Nam đã dần làm chủ các công nghệ cốt lõi, phát triển các nền tảng công nghệ cho chuyển đổi số, Bộ TT&TT đã có sáng kiến hay, hằng tuần tổ chức lễ ra mắt các nền tảng Việt Nam để tôn vinh, quảng bá các sản phẩm Việt Nam, đến nay hàng chục nền tảng đã được ra mắt.
Về Cổng Dịch vụ công quốc gia, vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã tích cực triển khai tích cực nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ cao của các bộ, tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp truy cập các dịch vụ công trực tuyến.
Thủ tướng nhìn nhận xuất hiện các cách làm mới có thể nhân rộng để đẩy nhanh triển khai Chính phủ số, chuyển đổi số như mạnh dạn thay đổi cách thức làm việc, dùng thử, trải nghiệm các ứng dụng công nghệ mới, khi có hiệu quả triển khai chính thức ngay; phát triển các ứng dụng chính phủ điện tử dựa trên mô hình nền tảng dùng chung để rút ngắn thời gian, chi phí triển khai, tăng cường kết nối/chia sẻ dữ liệu; dành tỉ lệ chi thích đáng từ ngân sách Nhà nước cho CNTT để bảo đảm ngưỡng đầu tư phát huy hiệu quả mà tiêu biểu như tỉnh Bình Phước chi hơn 1% từ ngân sách Nhà nước cho CNTT.
Thủ tướng cũng nhất trí với ý kiến của Bộ Y tế, tỉnh Bình Phước về bài học quan trọng là phát huy vai trò của người đứng đầu.
Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng chỉ ra một số tồn tại cần sớm khắc phục. Đó là môi trường pháp lý cho CPĐT chưa hoàn thiện, một số nghị định quan trọng vẫn chưa được ban hành (bảo vệ dữ liệu cá nhân, định danh, xác thực điện tử).
Tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 vẫn thấp và nếu không có cách làm mới sẽ không thể đạt mục tiêu 30% trong năm 2020. Đến thời điểm hiện nay, vẫn còn 8 bộ, 25 tỉnh tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4 dưới 10%, đây là con số đáng báo động.
Một số cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử vẫn chậm được triển khai, đặc biệt là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai. Vấn đề an toàn, an ninh mạng chưa được đầu tư đúng mức. Đầu tư cho an toàn an ninh mạng thường không đạt ngưỡng 10% ngân sách chi cho CNTT.
Tại Hội nghị, Thủ tướng đề nghị triển khai ngay một số phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới. Trước hết là về thể chế. Bộ Công an cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trình Chính phủ xem xét ban hành trong năm 2020.
Văn phòng Chính phủ phối hợp Bộ TT&TT hoàn thành các thủ tục trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định về định danh và xác thực điện tử, phấn đầu hoàn thành trong quý III/2020.
Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, ít nhất đạt mục tiêu 30% trong năm 2020, hướng đến năm 2021, hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 4… Hằng tháng, Bộ TT&TT thống kê tỉ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của từng bộ, tỉnh để đôn đốc triển khai.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương hoàn thành xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, tỉnh trong tháng 10/2020 và kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải làm gương về áp dụng CNTT.
Các bộ, ngành, địa phương từng bước tích hợp các dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ để số lượng dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia phải nhiều hơn, tốc độ cao hơn, chứ không chỉ ở con số 1.000 như hiện nay. Các bộ, ngành, địa phương hoàn thành triển khai biện pháp giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng tập trung và kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia trong năm 2020.
Bộ TT&TT chủ trì, kết hợp cả đầu tư và thuê dịch vụ, phát triển một số hạ tầng truyền dẫn, điện toán đám mây, nền tảng chuyển đổi số quan trọng. Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt Nghị định về kiện toàn, nâng cấp các đơn vị chuyên trách về CNTT thành các đơn vị chuyên trách về chuyển đổi số tại các bộ, ngành, địa phương, hoàn thành trong tháng 12/2020.
Bộ TT&TT xây dựng đề án kiện toàn, nâng cấp, tổ chức lại Cục Tin học hóa với cơ cấu tổ chức phù hợp, chế độ ưu đãi…, bảo đảm năng lực, nguồn lực để dẫn dắt tổ chức triển khai tiến trình chuyển đổi số quốc gia, trình Thủ tướng xem xét trong thời gian sớm nhất.
Bày tỏ ấn tượng khi hiện nay có nhiều doanh nghiệp mới với doanh số rất cao, Thủ tướng nhấn mạnh việc khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp số, các doanh nghiệp công nghệ phát triển, “thể chế nào ràng buộc thì các đồng chí báo cáo” để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.